2 tháng gần đây, tại các vùng nguyên liệu chè như Hàm Yên (Tuyên Quang) hay Văn Chấn (Yên Bái), các nhà máy sản xuất chè không thu mua được nguyên liệu. Trong khi đó, các hộ gia đình tại vùng nguyên liệu chè lại đang tấp nập chế biến chè xanh tại nhà để xuất đi Trung Quốc. Điều đáng nói ở chỗ, chất lượng của loại chè này rất đáng báo động.
Nhà nhà làm chè bẩn
Thời gian này, dọc đường qua Văn Chấn (Yên Bái), điều dễ gặp nhất là rất nhiều hộ gia đình mang chè ra phơi la liệt bên lề đường. Thứ chè này có màu xỉn và mùi rất khó ngửi (giống như mùi phân xanh), khi pha lên nước rất đỏ và đục, không thể uống được; nhưng rất nhiều hộ gia đình tại vùng nguyên liệu chè này đang tấp nập chế biến chè và xuất đi hằng ngày qua đường tiểu ngạch.
Để có một kilôgram chè khô phải cần đến năm kilôgram chè tươi, với nhiều công đoạn chế biến cầu kỳ và phức tạp. Nhưng chỉ cần 2 đến 4 triệu đồng, một hộ gia đình có thể tự làm chè tại nhà với 1 hoặc 2 cối vò chè. Trong quá trình vò chè, họ đã cho thêm vào một thứ hồ (được làm từ sắn lát nấu lên; hôm nay dùng không hết, mai dùng tiếp). Thứ hồ đặc này sẽ giúp chè dẻo hơn, khi vò chè sẽ dễ hơn và nặng hơn (do đó, lá chè già cũng có thể chế biến được).
Theo cách này, chỉ cần 3kg chè tươi đã có 1kg chè khô. Nếu mỗi ngày, mỗi hộ chế biến được ba tạ chè tươi thì chỉ cần một tuần là có thể thu hồi vốn. Thứ chè này sau khi vò xong sẽ được đem ra phơi nắng ngay bên vệ đường hoặc bất cứ chỗ nào, dù rất mất vệ sinh. Trong khi đó, ở Hàm Yên, các hộ tự chế biến chè lại cho thêm vào chè phân lân và nước bùn ao. Cách làm này cũng giúp cho chè dẻo, xanh và nặng hơn. Cả xã Thái Hòa (Hàm Yên, Tuyên Quang) đang chế biến chè theo “công nghệ” này.
Công nghệ chế biến chè bẩn ngày càng tràn lan (Ảnh minh họa)
Hậu quả nhãn tiền
Với lợi nhuận trước mắt, những hộ trồng chè đã không đảm bảo đúng tiêu chuẩn thu hoạch chè khi hái chè theo kiểu “hái rau ngót”, trong khi búp chè đủ tiêu chuẩn chỉ có một tôm hai lá hoặc một tôm ba lá. Thường một tháng hái bốn lứa, nhưng theo cách tận thu này thì phải 45 ngày sau mới có thể thu hoạch lứa tiếp theo. Như vậy, từ nay đến hết vụ chè chỉ có thể thu hoạch thêm được hai lứa nữa.
Trái ngược với khung cảnh chế biến chè tấp nập trong dân, các nhà máy chè lại đang gặp nhiều khó khăn khi không thu mua nổi nguyên liệu. Một nhà máy chè tại Hàm Yên có công suất chế biến 40 tấn chè tươi/ngày, giờ không có nguyên liệu để sản xuất. Tại Nhà máy chè thuộc Yên Bái, 2 tuần đầu tháng 7 chỉ mua được 7 tấn chè tươi; trong khi công suất thường ngày của nhà máy này là 60 tấn/ngày. Theo Hiệp hội Chè VN, từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch nhu cầu xuất khẩu cần tới 90.000 tấn chè nữa. Thiếu hụt nguyên liệu là bài toán nan giải với nhiều nhà máy chè thuộc hiệp hội.
Câu hỏi đặt ra: Loại chè này sẽ được tiêu thụ ở đâu? Ông Đoàn Anh Tuân - Chủ tịch Hiệp hội Chè VN - khẳng định: “Loại chè này không được tiêu thụ ở thị trường VN; vì thực sự không thể uống được loại chè này. Theo ghi nhận của chúng tôi, thứ chè này được xuất đi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc”. Như vậy, sau khi tận thu vải, trứng gà, trứng vịt, tôm cá, thì đến chè cũng bị tận thu. Nhưng với cách tận thu chè “bẩn” như thế này thì hệ lụy của nó thật nguy hiểm.
Trước mắt, khi các nhà máy chè không có nguyên liệu để chế biến sẽ bị vỡ hợp đồng với đối tác, mất uy tín trong xuất khẩu chè. Việc tận dụng, khai thác cây chè triệt để sẽ khiến giảm sản lượng và chất lượng cây chè trong những năm tiếp theo. Và sẽ ra sao khi sau một thời gian thu mua ồ ạt, các thương nhân bên bạn dừng việc thu mua chè bẩn này. Khi đó, hợp đồng, bạn hàng xuất khẩu đã mất, sản lượng chè giảm, uy tín về chất lượng chè bị ảnh hưởng. Ngành chè vốn đã gặp nhiều lao đao, nếu thêm điều này sẽ không biết đi về đâu với hàng chục ngàn lao động.
Theo Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét