Cuộc phiêu lưu của những đống thịt ế làm rất nhiều người tò mò, liệu những đống thịt đó sẽ "hạ cánh" xuống đâu? Kinh khủng thay khi hình ảnh mà chúng tôi ghi lại được cho thấy, thịt ế, thịt "quá đát" đã len lỏi vào hàng ngàn suất ăn/ngày của rất nhiều người dân Hà Nội.
Cuộc đối mặt bất ngờ
Trong quá trình bí mật điều tra tại hiện trường chợ thịt ế, người đàn ông thường xuyên mua thịt ế khối lượng lớn với đặc điểm nhận dạng "mặc áo phông xanh, quần "ngố" đi xe máy Ware-S mang BKS 33P6 - 50...đã nằm trong tầm ngắm của nhóm PV. Để biết rõ hơn về nhân vật này, đồng thời tìm “điểm đến” của số thịt ế mà người đàn ông này mua, nhóm PV đã chia làm nhiều tổ theo dõi. Tổ thứ nhất thường xuyên bám sát hiện trường, theo sát các diễn biến tại chợ. Tổ thứ 2 "cắm chốt" cách chợ một quãng, sẵn sàng "bám đuôi". Tuy nhiên, có thể do các chủ hàng thịt và cánh xe ôm tại chợ “phím” thông tin cộng với sự xuất hiện quá nhiều của chúng tôi ở đây nên người đàn ông này rất cảnh giác, khó tiếp cận.
Chủ hàng tên T sắp rời chợ với nửa bì tải thịt ế
Đầu giờ trưa 18/3, người đàn ông này xuất hiện tại chợ và bất chợt tiến về phía chúng tôi. Anh ta căn vặn với giọng nghi hoặc: "Sao hôm nào em cũng đứng đây thế?". Dù bất ngờ nhưng do đã có chuẩn bị nên chúng tôi "diễn" luôn: "Em đi tìm việc làm thêm. Nghe bảo đến đây dễ tìm được việc". Người đàn ông đỡ e dè hơn, anh ta nói: "Anh có các quán ăn ở đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân), đường Chiến Thắng (huyện Thanh Trì) và quán đối diện chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân). Nếu em thích làm thêm và sắp xếp được thì gặp, trưa nào anh cũng có mặt ở đây". Thấy cuộc trao đổi giữa chúng tôi có vẻ thân mật, người đàn ông làm nghề xe ôm đứng bên cạnh giới thiệu thêm: "Cậu ta tên T..., nhà ở Vác (Thanh Oai - Hà Nội), ngay cạnh nhà tôi. 2 vợ chồng còn trẻ, ra đây làm ăn phát lắm, sở hữu 4-5 quán ăn rải từ Thanh Trì ra Thanh Xuân đấy".
Thịt ế về đâu?
Lần theo những thông tin trên, chúng tôi đã xác minh được gốc gác của vị "khách” tên T. Theo thông tin người dân cung cấp thì T đúng là chủ của 3 quán ăn lớn. Quán thứ nhất chuyên bán "Cơm bình dân, cơm đĩa, các món xào", mang tên HL ở đường Chiến Thắng (huyện Thanh Trì). Quán thứ 2 cũng có tên như trên tại Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân) chuyên bán bánh cuốn nóng, bún chả gia truyền. Quán cơm thứ 3 nằm đối diện chợ Phùng Khoang quận Thanh Xuân, khu vực có khá đông học sinh, sinh viên các trường ĐH-CĐ thuê trọ. Theo khảo sát của PV, vị trí của 3 quán hàng ăn này khá "đắc địa" nên lượng khách đến ăn tại đây rất đông, trong đó đặc biệt là cửa hàng "bánh cuốn nóng, bún chả gia truyền" của anh ta chỉ cách kí túc xá sinh viên Mễ Trì có vài phút đi bộ.
Ít phút sau, chủ hàng tên T đã có mặt tại quán cơm trên đường Chiến Thắng ì ạch xách thịt từ xe vào quán
Sau khi xác định được hệ thống các cửa hàng nêu trên, chúng tôi lại chia làm 2 tổ, một tổ vẫn bám sát chợ thịt ế, tổ thứ 2 thay phiên nhau "chốt" trước các hàng ăn có địa chỉ nêu trên. Nhóm PV thứ nhất có mặt tại chợ ghi hình chủ hàng T mua thịt ế, nhóm PV còn lại đảm nhiệm việc ghi hình chủ hàng này vận chuyển số thịt nói trên về quán ăn. Lúc 13h35, ngày 27/3, nhóm PV có mặt trước quán HL ở đường Chiến Thắng vì nhận được tin chủ hàng T đã rời chợ sau khi đã gom đủ số thịt ế cần thiết. Chừng 15 phút sau đã thấy T khệ nệ xách bao tải thịt vào quán.
Ngày hôm sau, cũng gần giờ đó (13h27 phút) chủ hàng T sau khi mua thịt ế tại chợ lại đưa về "tập kết" tại quán ăn HL. Tất cả những hoạt động này đã được chúng tôi ghi lại.
Với khối lượng thịt lớn được chủ hàng T mua liên tục mỗi ngày, sau đó đem về tập kết tại hàng ăn của mình khiến dư luận không khỏi nghi ngờ. Phải chăng hàng trăm suất ăn tiêu thụ mỗi ngày tại các quán của T đã được làm từ nguồn thịt ế, thịt "quá đát", thậm chí đã bị bốc mùi?
Cơm văn phòng cũng “dính”… thịt ế?
Qua quan sát hiện trường, trong những "khách quen" mua thịt ế, ngoài T còn thường xuyên thấy sự góp mặt của người phụ nữ đi xe máy mang BKS 29K4 - 26... Sau xe người này luôn có chiếc sọt xanh và chỉ rời chợ khi đã chất khoảng hai chục cân thịt ế vào sọt.
Lại trong vai một người đang tìm việc làm, ngày 23/3 một thành viên trong nhóm chúng tôi đã tiếp cận vị "khách” này với lý do tìm việc làm thêm. Chị ta ái ngại: "Cửa hàng chị đang cần người đưa cơm cho công trường và văn phòng. Em có xe máy không? Nhìn thư sinh thế liệu có xách nổi mỗi lần vài chục hộp cơm lên tầng 4-5 không". Thì ra vị "khách quen" này cũng là chủ một quán ăn. Theo tìm hiểu ban đầu của chúng tôi, thực khách của quán này khá đa dạng, từ người lao động nghèo, công nhân ở các nhà máy, công trường xây dựng đến cả công chức nhà nước làm việc tại các công sở.
Những miếng thịt ế này phải chăng được "hạ cánh" vào không ít bữa cơm văn phòng?
13h45 ngày 23/3, người phụ nữ trên rời chợ với sọt thịt ế vừa mua áng chừng khoảng 20kg, chúng tôi liền bám theo. Sau một hồi vòng vèo, mua đủ loại thực phẩm cần thiết khác, khi tới quán cơm bình dân T.Đ ở đường Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì) chị ta dừng xe, xách thịt vào quán. Khi tôi ghi hình cảnh này, chị ta đã nhìn thấy. Để tránh bị nghi ngờ, tôi vào trong quán gọi cơm ăn. Nhìn những miếng thịt bầy trên đĩa tôi liên tưởng tới những miếng thịt ôi thiu ở chợ. Bao nhiêu người đã phải xơi những món thịt đó mà không biết? - Tôi tự hỏi.
Theo tìm hiểu được biết, ngoài các khách hàng là công nhân, công chức văn phòng, quán cơm này còn cung cấp cả trăm suất ăn cho học sinh, sinh viên trọ học tại khu vực xã Tân Triều. Giá mỗi suất ăn ở đây giao động từ 10.000-15.000 đến 20.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá 25.000-30.000 đồng/suất lại được áp dụng cho dịch vụ đưa cơm tận nhà cũng như công trường, văn phòng... Theo khảo sát của chúng tôi, mỗi ngày quán hàng ăn này bán ra khoảng 200 - 300 suất ăn dưới mọi hình thức.
Ngày 28/3, lúc 13h15, lại có một phụ nữ mặc áo xanh, đi xe mang máy mang BKS 33M7 - 12...1òng vòng qua các hàng thịt ế tại khu vực chợ Vồ, “nhặt” được gần 20kg. Sau khi mua thịt, chị ta vòng vào chợ mua đủ thứ rồi về chợ Triều Khúc ăn trưa. Chúng tôi bám theo và phát hiện đến 14h30 cùng ngày, người phụ nữ này cùng túi thịt đi vào hàng Cơm V.Đ.S ở phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân.
Ngoài các khách quen điển hình của chợ thịt ế nói trên, trong quá trình bám hiện trường để làm loạt phóng sự điều tra này, nhóm PV chúng tôi còn ghi hình được rất nhiều người khác cũng thường xuyên mua thịt với số lượng lớn. Điển hình như lúc 12h 45 ngày 28/3, người đàn ông mặc áo xanh đi xe mang BKS 18P3 - 15...và một phụ nữ ngoài 50 tuổi mặc áo xanh ngồi sau xe mang BKS 33L7 - 29..., mỗi người mua khoảng 15kg thịt. Lúc 13h ngày 29/3, 2 người đó lại tiếp tục đến chợ và mua thịt với số lượng tương tự.
Ngày 28/3 một phụ nữ mặc đồ đen, kẻ viền sọc đi xe máy mang BKS 30Y5 - 75..., mua hơn 30kg thịt đủ chủng loại và hơn 5kg mỡ ở chợ thịt ế. Trong khoảng 15 ngày liên tục chúng tôi phát hiện người phụ nữ này thường xuyên mua nhiều mỡ lợn với giá 8.000 đồng/kg. Có người bật mí, chị ta mua về để chiên các loại thực phẩm để đem bán.
Đến 13h ngày 30/3, một phụ nữ và một nam thanh niên khác đi xe biển số 29U - 17... đến chợ, mua khoảng hơn 20kg thịt...
Một số nguồn tin ban đầu cho biết, hầu hết những người thường xuyên mua thịt với số lượng lớn ở chợ thịt ế này đều có quán hàng ăn, hàng bún chả, cơm phở bình dân hoặc là cơm văn phòng trên địa bàn Hà Nội. Đây thực sự là một nỗi kinh hoàng với mọi thực khách của những quán ăn này và cũng là nỗi âu lo của không ít cơ quan chức năng, các chuyên gia về sức khỏe.
Theo Giadinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét