Đậu phụ là một trong những loại thực phẩm rất bổ dưỡng, lành tính lại rẻ tiền, là món ăn quen thuộc và ưa thích của nhiều gia đình trong những ngày hè nắng nóng. Tuy nhiên, cũng chính vì rẻ nên người dân dường như không quan tâm tới chất lượng cũng như quá trình “vắt nặn” của từng bìa đậu thế nào. Ít ai biết rằng, phía sau những mâm đậu trắng phau, ngon lành được bày bán là một công đoạn cực kỳ bẩn.
Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có rất nhiều cơ sở sản xuất đậu phụ, theo đó là lượng người mua cũng không ít. Giá của một bìa đậu dao động từ 1.000 – 3.000 đồng (tùy theo kích thước lớn nhỏ và bán buôn hay bán lẻ). Một cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ trong khu dân cư một ngày cung ứng ra thị trường hàng ngàn bìa đậu, thu lãi gần chục triệu đồng.
Đậu phụ thường được làm từ các loại đậu khác nhau (đậu xanh, đậu đen) nhưng chủ yếu là làm từ đậu tương. Nó là một trong những món ăn phổ biến của nhiều người bởi những tính năng ưu việt: dễ ăn, dễ tiêu hóa, nhiều dinh dưỡng, dễ chễ biến, giá thành rẻ...
Đậu phụ là món ăn giàu dinh dưỡng, giá cả phải chăng nên
rất được các gia đình ưa chuộng.
Quy trình làm đậu trình tự theo các bước cơ bản: đậu tương sau khi ngâm mềm, xay nhỏ và ủ, sau đó nấu để nổi cái lên trên bề mặt, vớt cái cho ra khuôn ép nước cho thành bánh đậu. Trong quá trình đó, để tăng hiệu suất nổi cái nhiều, giúp sản lượng bánh đậu được nhiều hơn, không ít cơ sở sản xuất đậu phụ đã pha thêm thạch cao vào. Chỉ vài thìa thạch cao là đủ cho một mẻ đậu (một thùng nước đậu khoảng 30 lít).
Anh Sang - một chủ sản xuất đậu tại Yên Ngưu (Tam Hiệp – Thanh Trì –Hà Nội) - cho biết: Cơ sở của anh không dùng thạch cao bởi lẽ khi dùng thạch cao, đậu sẽ không béo. Vì vậy, để tăng độ béo, thơm cho sản phẩm, người sản xuất có thể cho thêm bột béo công nghiệp (giá vài ngàn đồng/1 gói/1kg dùng cho vài mẻ đậu). Hơn nữa, muốn cho đậu không bị vữa, người pha bột cũng cần phải có kinh nghiệm. “Cũng có một số cơ sở sản xuất đậu thường dùng các loại hóa chất với mục đích giữ cho đậu lâu hơn, tránh ôi thiu”, anh Sang cho biết thêm: “Trường hợp này chỉ áp dụng cho những cơ sở sản xuất đậu lớn”.
Theo anh Sang, hiện vẫn chưa có kết luận về tác động của thạch cao đến sức khỏe của người tiêu dùng nhưng nếu người sản xuất dùng nhiều quá, khiến đậu bị chai, cứng… không còn độ mềm. Những bìa đậu “thạch cao” thường ăn giống ăn vôi và có thể gây đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Bên cạnh đó, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay tại những cơ sở sản xuất đậu nhỏ lẻ đang ở mức báo động. Đậu được xem là món ăn chín, nhiều người mua đậu vừa sản xuất, còn nóng hổi ở cơ sở về ăn ngay mà không cần qua khâu chế biến nào. Bác Mai (Thanh Trì, Hà Nội) khẳng định: “Ăn thế mới ngon. Tôi hay mua ở cơ sở quen gần nhà, đậu nóng vừa mua về có thể chấm với tí bột canh vắt chanh ăn ngay, đây cũng là món ăn được ông nhà tôi rất thích trong những ngày trời nóng. Cầu kỳ hơn thì sốt cà chua hay dồn thịt… nhưng gia đình tôi vẫn thích ăn đậu luộc còn nóng như thế”.
Tuy nhiên, nếu chứng kiến những hình ảnh phóng viên ghi lại được tại một cơ sở sản xuất đậu dưới đây, liệu có người nào đủ can đảm ăn đậu “nóng” không cần qua chế biến nữa không?
Những thùng nước đậu xay xong được đựng trong những xô,
chậu cáu bẩn, trên nền nhà ẩm thấp, nhớp nháp.
Nhìn nồi nấu đậu, nhiều người dễ nhầm lẫn với nồi... "cám lợn".
Dụng cụ chế biến đậu cả năm không được vệ sinh?
Để thật tay nặn đậu, hầu như người làm đều dùng tay trần thế này
và không có bất kỳ bảo hộ lao động nào.
Vì giàu dinh dưỡng, giá rẻ nên đậu phụ luôn là món ăn được các
gia đình lựa chọn, nhất là trong thời buổi giá cả leo thang.
Theo Giáo dục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét