Những chiếc khăn trắng muốt, thơm phức, mát lạnh từ lâu đã trở thành “món khai vị” cho mỗi cuộc ăn nhậu ở nhà hàng. Liệu những chiếc khăn này có đảm nhận được trọng trách “vệ sinh” như suy nghĩ của nhiều thực khách? Chúng tôi đã thâm nhập thực tế để hiểu hơn về “vòng quay” của những chiếc khăn.
5 giờ chiều, chúng tôi có mặt ở gia đình chị Ngân nằm trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Loẳng ngoẳng tiếng chai lọ và nước chảy. Nhà chị Ngân lại bước vào quy trình giặt khăn. Trong căn phòng rộng chừng 15m2 là la liệt những khăn đã qua sử dụng và chai lọ chứa đựng các dung dịch tẩy rửa.
Những chiếc khăn chất thành đống đều có chung hiện trạng là nhày nhụa, nhớp nhúa. Chiếc thì dính chất nôn mửa của khách nhậu, chiếc thì đen kịt do lau chùi quá nhiều thứ. Còn có cả những chiếc khăn dính nguyên vết máu. Tất cả đều bốc mùi kinh khủng. Đi đôi găng tay cao quá khuỷu và đeo chiếc khẩu trang dày cộp, chị Ngân giải thích cho chúng tôi công nghệ giặt khăn: “Mỗi tuần tôi lấy khăn 3 lần, khoảng 500 khăn. Khi lấy khăn về thì khăn rất bẩn Khăn sau khi lấy về gồm 2 loại nhà nghỉ và nhà hàng, cũng không cần phải phân biệt gì cả. Cho vào ngâm trong một thùng thuốc tấy gia ven. Chuyển sang ngâm trong một loại axit để tẩy trắng khăn hơn. Hai tiếng sau thì ngâm sang hệ thống bột giặt, mất khoảng 2 tiếng rồi cho vào máy giặt giặt bình thường”.
Sau khi đã hoàn thành công nghệ giặt tẩy, chị Ngân bước vào công đoạn tẩm ướt hương liệu cho những chiếc khăn. “Sau khi vắt khô khăn thì được tẩm ướt bằng hương liệu cồn và nước hoa quả tôi sẵn mua ở một hàng tôi quen biết từ lâu rồi ở Hàng Gà. Sau đó sẽ đóng khăn và hàn vào túi ni long”.
Quy trình giặt tẩy, đóng gói khăn bẩn
Khi được hỏi về nguồn gốc các sản phẩm làm trắng khăn, cũng như tạo mùi thơm, bản thân chủ cơ sở này cho biết chỉ quan tâm đến tiện ích, hiệu quả mà chất tẩy đem lại. “Chẳng bao giờ chúng tôi hỏi nguồn gốc vì chúng tôi tin tưởng nhau. Sau nhiều năm làm ăn thì người này giới thiệu cho người kia. Bọn tôi làm thấy nó có tác dụng và cái chính là thấy có lợi nhuận cho mình thì bọn tôi sẽ làm”, chị Ngân cho biết.
Những chiếc khăn được khách hàng sử dụng để lau mặt, lau tay, hít hà một cách khoan khoái nhưng lại chính những người sản xuất không dám chạm tay vào, thậm chí là thẳng thừng tẩy chay. “Trong nước tẩy thì axit tôi không hiểu tên là gì nhưng chỉ gọi chung là axit tẩy trắng. Tôi phải dùng một cái que để đảo chứ tôi không dám thò tay hoặc găng vào, vì thực sự là người ta cũng dặn là không nên để dính vào tay. Bản thân tôi và gia đình đều có suy nghĩ chung là nếu đi ăn bất kể chỗ nào, dù khăn có nói đảm bảo đến thế nào thì chúng tôi cũng không dùng. Chúng tôi chỉ sử dụng khăn ướt một lần thôi”.
Hiện nay, khăn lạnh tại các nhà hàng đa phần là khăn quay vòng, được tái sử dụng nhiều lần. Nếu như chưa bị sờn rách hoặc ố vàng quá mức thì có lẽ chúng vẫn được qua tay hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn người. Theo chị Ngân, axit chính là nguồn hi vọng cho những chiếc khăn dẫu cũ, bẩn đến mức nào: “Chỉ có những chiếc nào ố quá mức hoặc đã có những chỗ sờn rách thì khi đó chúng tôi mới thanh lý đi hoặc thải hồi. Nếu vẫn còn trắng thì vẫn còn dùng được, vẫn quay vòng cho đến mức độ phải thanh lý thì mới thanh lý”.
Cơ sở của chị Ngân chỉ là một trong số hàng ngàn cơ sở áp dụng quy trình làm trắng khăn như vậy. Và không biết sẽ còn bao nhiêu thực khách nữa bị những “ổ bệnh thơm mát” như vậy “hớp hồn”. Tuy không còn sớm nhưng lúc này rất cần đến sự nhập cuộc của các cơ quan chức năng.
Trước thông tin về khăn ăn, giấy ăn của Trung Quốc có chứa chất gây ung thư cũng như thực trạng mất vệ sinh của thị trường khăn ăn ở trong nước, nhiều người tiêu dùng đã lên tiếng tẩy chay sản phẩm này. Anh Nguyễn Văn Sáu- Hà Nội khẳng định: “Hiện nay tôi có dùng khăn lạnh để lau tay khi đi ăn cùng gia đình, bạn bè ở các nhà hàng hải sản. Tôi nghĩ mùi hương của khăn có thể át đi mùi tanh ở thức ăn, chứ bình thường tôi cũng không dùng. Tôi không dùng để lau mặt hay lau mồm bởi vì tôi cho rằng nó không sạch sẽ lắm. Nhân viên có bảo tôi là khăn này chỉ dùng một lần thôi nhưng tôi cho rằng điều này không đúng”.
Chị Phan Hà Lan, sau khi biết được thông tin về quy trình sản xuất khăn lạnh đã nói không với sản phẩm này: “Về vấn đề khăn lạnh thì nói thực là trước kia tôi cũng dùng. Tôi thấy nhiều người nói lại rằng: khăn lạnh được sử dụng đi sử dụng lại nhiều lần. Tôi cũng nghi ngờ sản phẩm này sử dụng rất nhiều chất tẩy rửa, không biết có nguồn gốc ở đâu, có đảm bảo cho sức khỏe của mọi người hay không. Hiện tại thì tôi vẫn thấy rất nhiều người sử dụng loại khăn này”.
Theo số liệu thống kê của Bộ y tế, hiện nay tại Hà Nội, chỉ một vài cơ sở lớn đầu tư hệ thống tẩy trùng, hấp sấy, hóa chất diệt khuẩn đủ tiêu chuẩn vệ sinh để làm sạch khăn đã qua sử dụng. Còn lại phần lớn chất lượng khăn ăn đều thả nổi và chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt. Trước thực trạng mất vệ sinh an toàn của các sản phẩm khăn ăn, giấy ăn, điều mà dư luận quan tâm là trách nhiệm của các cơ quan quản lý những sản phẩm này tới đâu.
Để phần nào giải đáp những băn khoăn, bức xúc của người tiêu dùng, chúng tôi đã gọi điện đến các cơ quan, các tổ chức liên quan. Liên hệ đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ tổ chức này là: chúng tôi cũng không rõ cơ quan nào quản lý, có thể là do Bộ Y tế hoặc Bộ Công thương. Nối điện thoại với một cán bộ Cục Vệ sinh an toàn Thực phẩm và lãnh đạo Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thì hai cơ quan này ban quả bóng trách nhiệm cho nhau. Dẫu chưa làm rõ trách nhiệm quản lý khăn ăn, giấy ăn thuộc cơ quan nào, song thiết nghĩ đây là một vấn đề cần được quan tâm của các cơ quan chức năng, tránh tình trạng thả nổi như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét