Nhặt rau và hoa quả dập nát về bán
Tại chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu, thực phẩm luôn rẻ hơn từ 3.000đ/kg tới 6.000đ/kg, cà chua dập nát “giá mềm” 5.000đ/kg, lá già cải thảo 3.000đ/kg …nhưng dường như vẫn quá cao so với khả năng của nhiều hộ kinh doanh nên họ phải chọn giải pháp: đi nhặt. Các loại hàng như lá già bắp cải, cải thảo, cà chua dập nát, lá hành úa, lá rau thơm... bị tiểu thương tách ra trong buổi chợ hoặc vứt bỏ lại luôn được thu nhặt sạch sẽ.
Chờ đến khi tan chợ, phóng viên bám theo 2 người phụ nữ đi xe máy với 4 túi bóng to đầy lá già bắp cải, cà chua dập nát, lá hành úa... được buộc cùng với các mặt hàng đã mua từ trước như su su, rau muống, rau cải.
Từ chợ rau họp gần đường Hồ Tùng Mậu, chiếc xe phóng qua đường Cầu Giấy rồi dừng trước một hàng cơm bình dân trên phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội – nơi mà đống rau dập nát bị đổ đi trên đường đầy bụi bẩn khi nãy sẽ trở thành các món ăn hấp dẫn phục vụ thực khách. Khi được hỏi về hành động này của người làm hàng cơm, một chủ chuyên kinh doanh cà chua hãi hùng: “Mình vẫn còn ngồi bán hàng mà người ta đã lao vào nhặt quả dâp nát, đôi khi là thối hỏng vứt đi. Ăn cơm ngoài chả bao giờ dám chọn món có cà chua là vì thế”.
Một chủ chuyên kinh doanh cà chua hãi hùng: “Mình vẫn còn ngồi bán hàng mà người ta đã lao vào nhặt quả dâp nát, đôi khi là thối hỏng vứt đi". (Ảnh minh họa)
Trả lời báo chí, TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết: Hoa quả là nguồn cung cấp vitamin quan trọng cung cấp nước và chất xơ cho cơ thể. Nhưng nếu đã bị dập nát hoặc thối dù chỉ một lỗ nhỏ cũng không nên ăn. Vì khi đã bị thối thì không những giá trị dinh dưỡng bị giảm đi khá nhiều mà trong đó cũng chứa rất nhiều vi khuẩn có hại cho sức khoẻ. Ngay cả khi mình cắt bỏ phần thối thì phần còn lại cũng có thể gây nguy hại. TS. Lâm cũng nhấn mạnh thêm: Thịt ôi thiu không những không còn nhiều dinh dưỡng mà còn chứa nhiều vi khuẩn độc hại dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Sợ, vẫn phải ăn
Không ít bạn sinh viên đã từng tận mắt chứng kiến cảnh làm ăn gian dối, quy trình công nghệ chế biến thức ăn bẩn tại các cửa hàng cơm bình dân nhưng phần lớn trong số họ đều tặc lưỡi cho qua theo kiểu: “khuất mắt trông coi”. Một bạn gái lắc đầu nói: “Nếu tẩy chay thì ăn cái gì bây giờ, ở đâu cũng thế cả thôi bạn ạ!”
Hơn nữa, các quán cơm mặc dù “siêu bẩn” nhưng với ưu điểm giá “bình dân” lại không mất thời gian nấu nướng nên hầu hết cánh sinh viên hay dân lao động ngoại tỉnh ít tiền đều “phớt lờ” để đánh cược với sự an toàn và sức khỏe của bản thân.
Phạm Thế Dương, sinh viên ĐH Kiến trúc cho biết: “Từ ngày xuống Hà Nội, em chỉ ăn cơm bụi vì ở một mình, ngại nấu nướng lắm, đi học về ra ăn cho xong, thấy đài báo cũng nói nhiều nhưng kệ vì ăn mãi cũng chưa thấy làm sao, chỉ vài lần thấy đau bụng qua loa thôi”.
Cận cảnh "hậu trường" một quán cơm bình dân giá rẻ dành cho sinh viên. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, tại hầu hết các trường Đại học đều bố trí nhà ăn trong khu kí túc xá cho sinh viên, tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau mà sinh viên đều bỏ kí túc ra ăn cơm ngoài.
Trên nhiều website giải thích 1 trong những lý do khiến sinh viên “cạch” với quán cơm ở căng tin hay nhà ăn của kí túc xá. Một bạn gái tên K. thường ăn cơm nhà A13 (Kí túc xá Đại học Quốc gia Hà Nội). Theo K. cơm ở đây dẻo hơn các nhà ăn khác trong khu kí túc xá này, số lượng khách quá đông nên sinh viên phải chen nhau xếp hàng. Các bạn phía sau nhờ mình lấy giùm mấy quả ớt, chỉ vậy thôi mà bà chủ quán cơm đã cất giọng xối xả: “Con gái ăn ớt gì mà dữ vậy, sau này ghen chồng phải biết”.
Nói rồi bà quay sang phía mấy bạn nam cũng đang xếp hàng nói: “Mấy thằng bay đừng có dại mà yêu con gái ăn cay sau này về nó ghen cho té khói”. Nghe bà chủ quán chửi, K. đỏ bừng mặt lẳng lặng lùi ra. Nhiều sinh viên ăn cơm ở nhà ăn A5 cũng bị ám ảnh vì nhân viên phục vụ. Họ dằn đĩa cơm hỏi “thượng đế”: “Ăn gì thì chọn nhanh lên để tôi còn bán cho người khác nữa, đứng đó mà ngắm trai, vướng chân người khác!”.
Với nhiều lý do khác nhau, cơm sinh viên dù "siêu bẩn" vẫn đắt hàng. (Ảnh minh họa)
Sinh viên ăn cơm, phở trong ký túc đều nắm “luật” cấm được kêu ca phàn nàn. Nếu bạn nào “lỡ dại” kêu một câu, sẽ bị đáp lại một tràng liên thanh. P. kể lại: “Một lần cầm bịch cơm thấy ít hơn mọi ngày, mình xin thêm, được đáp trả bằng câu ít gì mà ít, muốn ăn nhiều thì mua thêm suất nữa ăn cho nhiều”.
Hoặc một lần bạn đưa ra ý kiến “Cô ơi, gà có mùi… hôi”. “Mười nghìn một suất mà đòi ăn gà ngon không có đâu nha con!” – bà chủ thẳng thừng. Trả tiền cũng khổ, chủ quán hứng lên là mắng: “Đi mua cơm phải chuẩn bị tiền lẻ trước đi chứ, đi đổi tiền đi rồi lại mà lấy cơm”.
Đó chỉ một trong vô vàn những lý do khiến sinh viên “ức đến chết đi được” mới phải đi tìm một quán cơm giá rẻ bình dân để lót dạ, tồn tại qua ngày.
Lẽ ra để cả một thế hệ tương lại bị hủy hoại?
Trong thời điểm giá cả tăng như hiện nay, để tìm được một quán ăn ngon rẻ, đảm bảo vệ sinh đối với sinh viên làng Đại học Thủ Đức (TP. HCM) khó như hái sao trên trời. “Số phận” sức khỏe gửi gắm cả vào các quán cơm bụi - nơi chủ các quán cơm chỉ chạy theo lợi nhuận. Đăng (trường Đại học KHXH&NV) nhăn nhó kể với phóng viên: “Mới hôm vừa rồi nghe bạn bè giới thiệu, gần cổng KTX có quán cơm mới mở, gạo ngon lắm. Phòng mình kéo nhau ra ăn. Tối về tám đứa thì đến năm đứa bị Tào Tháo rượt. Mình bị nặng nhất, phải nhập viện truyền nước”. Thùy Nhơn (Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia) cho biết: “Dẫu biết ăn cơm bụi, chất lượng vệ sinh không đảm bảo, nhưng quán nào cũng vậy cả thôi, không ăn thì đói. Xui lắm thì bị ngộ độc, đau bụng cũng phải chịu chứ biết kêu ai bây giờ?”.
Lẽ ra để cả một thế hệ tương lại bị hủy hoại? (Ảnh minh họa)
Trải qua 7, 8 năm ăn cơm quán, hàng ngày, hàng giờ vẫn phải nạp vào người thứ đồ ăn mất vệ sinh ấy, nhưng khi đọc những bài viết rúng động về công nghệ chế biến cơm ôi, thịt thối, một độc giả tên Bình không khỏi bàng hoàng, kinh ngạc. Phản hồi về với báo chí, bạn Bình viết: “Thật kinh khủng, đọc xong hết dám ăn cơm quán. Nhưng hết 7 năm, qua năm thứ 8 cơm quán, đành "chịu" chứ biết kêu ai bây giờ? Các cơ quan chức năng ở đâu mà sao không giải quyết tình trạng này cho sinh viên? Không chỉ đổ lỗi cho các chủ quán cơm khi giá cả đang leo thang mà túi tiền sinh viên lại eo hẹp. Quan trọng hơn là sự lỏng lẻo trong quản lý, sự kém ý thức của chính người Việt Nam chúng ta thôi”.
Cũng xót xa, cám cảnh trước tình trạng các thế hệ tương lai của đất nước đang bị “đối xử” một cách tàn tệ qua những bữa ăn ôi thiu, bác Kim Lan bất bình nói: “Trời ơi! Dã man quá! Đúng là dân mình lại giết mình. Tội nghiệp các cháu sinh viên. Ăn như vậy sau 4 năm đại học chắc bị ung thư quá!”.
Để rồi, bác Lan không khỏi trăn trở: “Có cách nào để giúp các cháu không? Hay là các đoàn thể mỗi trường tổ chức nấu ăn cho sinh viên, nhân công sẽ huy động sinh viên tình nguyện. Có địa chỉ cụ thể sẽ huy động được các mạnh thường quân giúp đỡ thêm vào".
Bên cạnh việc thúc đẩy xây dựng thêm nhà ăn, hiện nay, đã có một số trường đại học, cao đẳng đứng lên thực hiện giải pháp kêu gọi hỗ trợ suất cơm miễn phí cho sinh viên nghèo nhưng biện pháp đó chẳng khác nào như “muối bỏ bể”.
“Tôi cũng có con học đại học năm thứ nhất, chắc mỗi sáng tôi phải dậy sớm nấu cơm cho con tôi mang đi học quá!” – Lo lắng cho sức khỏe của con trai mình, một phụ huynh tại Gò Vấp, TP. HCM tự rút ra giải pháp cho riêng mình.
Theo Giáo dục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét